Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2008

Richard Stallman: Người dẫn đầu phong trào phần mềm tự do


Richard Matthew Stallman (được biết đến là RMS) là người sáng lập phong trào phần mềm tự do, dự án GNU, và Tổ chức phần mềm tự do (Free Software Foundation). Ông cũng là một lập trình viên xuất sắc và nổi tiếng. Ông là tác giả của giấy phép công cộng GNU (GNU General Public License), viết tắt GNU GPL hay GPL, giấp phép phần mềm tự do được sử dụng rộng rãi nhất và là người tiên phong đưa ra khái niệm copyleft (sử dụng luật bản quyền để bảo vệ quyền tự do). Stallman là tác giả đầu tiên của GNU Emacs, trình biên dịch GNU C, trình sửa lỗi GNU GDB và các gói phần mềm khác.
Stallman sinh tại Manhattan, ba mẹ của ông là Daniel Stallman và Alice Lippman. Trong những năm tháng làm lập trình ông được biết đến với cái tên viết tắt RMS.
Trong cuốn sách Từ điển Hacker (Hacker's Dictionary) xuất bản lần đầu tiên ông viết "Richard Stallman chỉ là cái tên thông dụng, nên cứ gọi tôi là "rms". Ông nổi tiếng với vai trò là "vị thánh của phần mềm tự do".
Năm 1971, khi là sinh viên năm nhất trường đại học Harvard, Stallman trở thành một lập trình viên tại phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence Laboratory) của viện công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology). Ông được tuyển dụng bởi Russ Noftsker, người sau này là tác giả của Symbolics và trở thành đối thủ gay gắt của Stallman. Năm 19 tuổi ông làm việc cho một công ty tại Westchester County, ngồi gần bàn với Eben Moglen hiện nay là luật sư phụ trách công nghệ và là cố vấn cao cấp được nhiều người biết đến của Tổ chức phần mềm tự do.

Ông tiếp cận với máy tính lần đầu tiên trong những năm trung học những năm 60. Stallman làm việc tại Trung tâm nghiên cứu khoa học máy tính IBM tại New York và dành cả mùa hè sau khi tốt nghiệp trung học để viết chương trình đầu tiên là bộ tiền xử lý IBM 7094 viết bằng ngôn ngữ lập trình PL/I. Sau này ông kể lại đầu tiên ông lập trình trên PL/I, sau đó ông phải viết chương trình này lại từ đầu bằng hợp ngữ vì chương trình viết trên PL/I quá lớn không thích hợp với máy tính thời đó.

Vào những năm 80, Stallman vẫn tiếp tục làm việc tại một văn phòng tại MIT mặc dù ông không nhận lương nữa. Tại đây, ông đã tạo nên một hệ điều hành mới được gọi là GNU - được viết tắt từ cụm từ GNU's Not Unix - sẽ cho người dùng máy tính quyền tự do mà phần lớn theo ông nghĩ họ không có. GNU là phần mềm tự do: mọi người tự do sao chép và phân phối lại cũng như thay đổi lớn hay nhỏ gì tùy ý.

Vào giữa những năm 90, ông ta dành hầu hết thời gian của mình với vai trò là một nhà vận động chính trị, hỗ trợ phần mềm tự do và vận động chống lại luật "bằng sáng chế ý tưởng phần mềm" (software idea patents) và mở rộng luật bản quyền. Trong khi đó ông vẫn dành thời gian cho việc lập trình GNU Emacs. Hiện tại, ông được nhiều đồng nghiệp ủng hộ và ông vẫn giữ một lối sống rất bình dị.

Tiến trình sáng lập GNU

Stallman được cộng nhận là người lãnh đạo dự án phát triển hệ điều hành GNU, và khởi động phong trào phần mềm tự do.

Dự án GNU bắt đầu vào năm 1984 khi Stallman nghỉ việc tại phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo của viện công nghệ Massachusetts (MIT) để phát triển hệ điều hành tự do giống Unix bằng cách ghép các chương trình phần mềm sẵn có với nhau và viết thêm những thành phần cần thiết.

Sau này, ông ta sáng lập nên Tổ chức phần mềm tự do (Free Software Foundation), và Stallman đã nói rằng ông tin chắc rằng con người "xứng đáng có quyền tự do sử dụng và chỉnh sửa phần mềm" cho bất kỳ mục đích nào để "tạo ra phần mềm làm những gì họ muốn". Ông tin rằng phần mềm thương mại sẽ "làm mất quyền dân chủ" trong khi phần mềm tự do cung cấp cho con người nhiều sự lựa chọn cần thiết cho quyền dân chủ thực sự.

Stallman hi vọng rằng các công ty phần mềm cuối cùng sẽ chuyển nguồn thu nhập từ việc kinh doanh phần mềm độc quyền sang cung cấp phần mềm tùy biến dành cho khách hàng, hỗ trợ và tùy biến các cài đặt khác. Stallman nói rằng không phải là không thể kiếm được tiền từ phần mềm tự do.

Vào năm 1985, Stallman xuất bản Tuyên ngôn GNU (GNU Manifesto), vạch ra động lực để tạo một hệ điều hành tự do được gọi là GNU, có khả năng tương thích với Unix. Tên GNU viết tắt theo cách đệ quy cho cụm từ GNU's Not Unix. Ngay sau đó, ông thành lập Tổ chức Phần mềm Tự do (FSF) phi lợi nhuận và tuyển những lập trình viên phần mềm tự do và cung cấp cơ sở, nền tảng pháp lý cho cộng đồng phần mềm tự do.

Vào năm 1989, Stallman phát minh và phổ biến khái niệm copyleft, một cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền chỉnh sửa và quyền phân phối lại phần mềm tự do. Sau đó, nhiều phần trong hệ thống GNU đã hoàn tất ngoại trừ nhân (kernel). Vào lúc đó các thành viên của dự án GNU đang làm việc trên một nhân được gọi là nhân GNU Hurd, nhưng quyết định thiết kế nhân GNU đầy rủi ro này về sau cho thấy đây là một quyết định sai lầm, và việc phát triển nhân GNU Hurd đã rất chậm. (Hurd là một dự án của GNU với mục tiêu tạo ra một nhân để thay thế nhân Unix. Tuy nhiên không giống các nhân Unix, nhân Hurd xây dựng trên một vi nhân tên Mach có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ hệ thống cơ bản nhất.)

Trong khi ủng hộ phần mềm tự do, Stallman đóng góp rất tích cực cho cộng đồng phần mềm tự do. Nhiều đóng góp vô giá của ông trong đó có Emacs - trình soạn thảo văn bản phổ biến, và trình biên dịch ngôn ngữ lập trình C cho GNU. Bằng cách tạo ra các công cụ phần mềm cần để viết phần mềm và xuất bản giấy phép công cộng tổng quát (GPL) có thể áp dụng cho bất kỳ dự án phần mềm nào, Stallman cho phép nhiều người khác viết phần mềm tự do độc lập với dự án GNU. Vào năm 1991, một dự án độc lập đã tạo ra nhân Linux. May mắn là dự án này có thể kết hợp với phần mềm GNU đang tồn tại để tạo ra một hệ điều hành hoàn chỉnh. Đây là bước ngoặt lớn cho cho dự án GNU, nhưng sự xuất hiện đồng thời của Linux và hệ điều hành GNU/Linux đã tạo nên sự nhầm lẫn, và đa số mọi người dùng tên Linux để chỉ cả hai.

Stallman yêu cầu mọi người dùng tên "GNU/Linux" để chỉ hệ điều hành được tạo bằng cách kết hợp hệ thống GNU với nhân Linux. Lý do của ông về việc dùng thuật ngữ này là sự liên kết giữa triết lý của dự án GNU và phần mềm của nó bị phá vỡ khi người ta gọi hệ điều hành này là "Linux".

Stallman xác định tầm quan trọng của thuật ngữ mà mọi người dùng để nói về mối quan hệ giữa phần mềm và quyền tự do. Cụ thể là ông luôn yêu cầu mọi người dùng từ "phần mềm tự do", "GNU/Linux", và tránh thuật ngữ "sở hữu trí tuệ". Việc ông yêu cầu mọi người dùng những thuật ngữ này và những nỗ lực của ông trong việc thuyết phục mọi người về tầm quan trọng của thuật ngữ, là nguồn gốc mọi va chạm với một số thành viên của cộng đồng phần mềm nguồn mở và phần mềm tự do.

Những năm qua, nhiều người cố gắng đặt ra một thuật ngữ cho phần mềm tự do mà không gây nhầm lẫn giữa quyền tự do và tính miễn phí. Ngoài thuật ngữ "phần mềm tự do" thì thuật ngữ "phần mềm nguồn mở" được nhiều người sử dụng nhất. Stallman mạnh mẽ phản đối thuật ngữ "phần mềm nguồn mở" vì ông nói rằng nó không thể hiện được mục đích của quyền tự do. Và hiển nhiên thuật ngữ này được ủng hộ bởi những nhân vật không thích các tuyên bố mang màu sắc chính trị và đạo đức của Stallman.

Vì những lý do tương tự ông ta đề nghị mọi người nói "phần mềm độc quyền", thay vì "phần mềm nguồn đóng", khi ám chỉ những phần mềm không phải phần mềm tự do.

Stallman chấp nhận những thuật ngữ như Software Libre, FLOSS, và "phần mềm không bị giới hạn quyền" (unfettered software), nhưng ông thích thuật ngữ "phần mềm tự do" hơn vì ông đã bỏ ra nhiều công sức và tâm huyết vào thuật ngữ này.

Bằng sáng chế

Stallman nói rằng thuật ngữ "sở hữu trí tuệ" được tạo ra với mục đích làm cho mọi người nhầm lẫn. Bằng cách ám chỉ những luật này như những luật "sở hữu", ông nói rằng thuật ngữ này làm ảnh hưởng xấu đến cách suy nghĩ của người nghe về những vấn đề này.

Trong một phạm vi hẹp nào đó, Stallman đề nghị nên dùng những thuật ngữ khác, ví dụ như "bằng sách chế ý tưởng phần mềm" thay vì "bằng sáng chế phần mềm". Lý do của ông là thuật ngữ sau đưa ra ấn tượng sai lệch là bằng sáng chế bao gồm toàn bộ phần mềm. Ông cũng dùng thuật ngữ "chỉ có lệ phí thống nhất" (Uniform Fee Only) - UFO, thay thế cho "không phân biệt và có tính hợp lý " (Reasonable And Non-Discriminatory) (RAND). Lý do là bất kỳ một khoản chi phí phải trả cho bằng sáng chế một cách bắt buộc đều phân biệt chống lại phần mềm tự do bởi vì những nhà phân phối phần mềm tự do không thể tính được số bản sao hiện có. Nhiều người trong cộng đồng nguồn mở và phần mềm tự do đã chia sẻ mối quan tâm này nhưng thuật ngữ của Stallman không được dùng rộng rãi.

Ảnh hưởng của Stallman nổi bật trong thế giới Unix, nơi nhiều phần mềm ông và những người cộng tác trên dự án GNU đã phát triển trong những năm qua được sử dụng rộng rãi. Ông là người có ảnh hưởng lớn trong các tranh cãi về luật sáng chế khi áp dụng cho phần mềm, và ông cũng là người không ủng hộ nguồn mở và cả nguồn chia sẻ khi so sánh với phần mềm tự do.

Biện luận của Stallman rất thành công và ông đã kết hợp hiệu quả hầu hết cộng đồng chia sẻ phần mềm đang tồn tại trở thành "cộng đồng phần mềm tự do", trong đó những ảnh hưởng của Stallman rất quan trọng đến nỗi nhiều tác giả phần mềm tự do đã dùng GPL như là giấy phép cho chương trình của họ mà không xem xét rằng có thể có những dạng giấy phép thay thế khác.

Richard Stallman được xem như một trong những bộ óc vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Đóng góp của ông cho cách thức xã hội vận hành ngày càng quan trọng hơn bất kỳ đóng góp của ai khác. Ông có trách nhiệm hơn ai hết trong việc chỉ ra hướng đi để tránh những hạn chế vô lý của luật sở hữu trí tuệ hiện đại.

Hải Hà Nguồn:tincntt

Không có nhận xét nào: