Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2008
Sự kiện Thiên An Môn 1989 ở Trung Quốc
Cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989, cũng được biết đến với cái tên vụ Thảm sát quảng trường Thiên An Môn, Cuộc xô xát ngày 4 tháng 6, hay Tình trạng náo động từ mùa Xuân tới mùa Hè năm 1989 theo chính phủ Trung Quốc, là một loạt những vụ biểu tình do sinh viên, trí thức và những nhà hoạt động công nhân lãnh đạo ở Cộng hoà nhân dân Trung Hoa từ 15 tháng 4, 1989 và 4 tháng 6, 1989, (theo chính quyền Trung Quốc) đã khiến từ 400 đến 800 dân thường thiệt mạng, và từ 7.000 đến 10.000 người bị thương. Một báo cáo ban đầu từ các bệnh viện địa phương đưa ra con số khoảng 2.000.
Bối cảnh
Tháng 4 năm 1989, khi Hồ Diệu Bang mất, dân chúng Trung Quốc đã nhân tang lễ ông, tổ chức nhiều vụ xuống đường biểu tình. Chính thức là để tỏ lòng thương tiếc một người thuộc xu hướng cải cách, song các cuộc biểu tình này thực ra là để phản đối lạm phát và nạn tham nhũng. Vào thời điểm ấy, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô là Mikhail Gorbachev lại thăm viếng Bắc Kinh sau nhiều năm gián đoạn quan hệ Liên Xô-Trung Quốc.
Vụ xô xát được đặt tên theo vị trí diễn ra sự đàn áp phong trào ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh của Quân đội giải phóng nhân dân. Những người biểu tình thuộc nhiều nhóm khác nhau, từ các trí thức tin tưởng rằng chính phủ do Đảng cộng sản lãnh đạo quá tham nhũng và hà khắc, tới những công nhân thành thị tin rằng cải cách kinh tế Trung Quốc đã đi quá xa dẫn tới lạm phát tăng cao và tình trạng thất nghiệp lan tràn đe doạ cuộc sống của họ.
Sau khi những người biểu tình bất chấp kêu gọi giải tán của chính phủ, một sự chia rẽ xảy ra bên trong Đảng cộng sản về việc giải quyết vấn đề với những người biểu tình theo cách nào. Trong những nhóm đang tranh cãi nhau, một phe cứng rắn nổi lên và quyết định đàn áp cuộc biểu tình, và không cần để ý tới những yêu cầu của họ.
Ngày 20 tháng 5 chính phủ tuyên bố thiết quân luật và vào đêm ngày 3 tháng 6, sáng ngày 4 tháng 6, xe tăng và bộ binh quân đội được gửi tới quảng trường Thiên An Môn để tiêu diệt phong trào và giải tán những người biểu tình. Những ước tính về con số thiệt mạng dân sự từ: 400-800 (CIA), 2.600 (Chữ thập đỏ Trung Quốc), và một nguồn chưa được xác định khác là 5.000. Số người bị thương từ 7.000 đến 10.000. Tiếp sau cuộc bạo lực, chính phủ tiến hành nhiều cuộc bắt giữ để đàn áp những người ủng hộ phong trào, cấm đoán báo chí nước ngoài và kiểm soát nghiêm ngặt việc đưa tin các sự kiện của báo chí Trung Quốc. Cuộc đàn áp bằng bạo lực đối với những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn đã gây nên sự chỉ trích rộng rãi của quốc tế đối với chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Trong tiếng Trung Quốc, vụ này thường được gọi là Sự kiện mùng 4 tháng 6 (六四事件) hay Phong trào mùng 4 tháng 6 (六四运动). Cái tên sau đặt theo kiểu tên của hai hành động phản kháng khác cũng xảy ra ở quảng trường Thiên An Môn: Phong trào mùng 4 tháng 5 năm 1919, và Phong trào mùng 5 tháng 4 năm 1976.
Đây là biến cố quốc tế nên đông đảo truyền thông thế giới có mặt để tường thuật. Các cuộc biểu tình kéo dài khiến lãnh đạo Bắc Kinh lúng túng. Vì muốn thách thức Gorbachev tiến hành cải cách nên họ không dám ngăn chặn biểu tình, trong khi nhiều đảng viên cao cấp lại tỏ vẻ ủng hộ, thậm chí yểm trợ dân biểu tình.
Đến khi sự việc xảy ra quá tầm kiểm soát của chính quyền thì họ chỉ còn giải pháp là tắt đèn nổ súng. Triệu Tử Dương muốn can cả hai, là chính quyền và dân biểu tình, mà không nổi. Ông xuất hiện lần cuối, giữa đám biểu tình vào ngày 19 tháng 5, 1989, với nước mắt lưng tròng và tay cầm loa để nói là mình đến quá trễ.
Hơn 10 ngày sau, quân đội tiến vào thủ đô Bắc Kinh, yêu cầu báo chí rút lui và rạng ngày 4 tháng 6, đám biểu tình bị giải tán, hàng ngàn người bị tàn sát ngay tại quảng trường Thiên An Môn. Con số chính thức là bao nhiêu thì Bắc Kinh không nói và không ai biết được. Con số bán chính thức từ bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là 2.600 người.
Khi biểu tình, 2 thanh niên đã ném trứng thối vào bức chân dung của Chủ tịch Mao Trạch Đông. 2 người này sau đó đã bị bắt, bị tra tấn và bị bỏ tù trong 16 năm. Khi ra tù ho đã bị tâm thần và không thể nhận ra cha mẹ mình.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét